Nội dung chính [ Ẩn ]
Gạch lát nền sau một thời gian có thể xảy ra hiện tượng phồng rộp, nứt vỡ gây mất thẩm mỹ công trình cũng như ảnh hưởng đến quá trình sinh hoạt. Nếu không được xử lý kịp thời, tình trạng sàn nhà bị rộp sẽ lan rộng, làm giảm chất lượng, độ bền của công trình.
Bởi vậy, bạn cần tìm hiểu nguyên nhân khiến gạch lát nền hoặc sàn bê tông bị rộp cũng như biện pháp khắc phục, phòng tránh để có cách xử lý kịp thời nhất nhé!
Sàn nhà bị rộp xảy ra khá phổ biến
Hiện tượng nền nhà bị phồng thường xuất hiện ở vị trí nào?
Hiện tượng nền nhà bị phồng rộp, nứt vỡ là tình trạng gạch lát nhô lên, phồng rộp hoặc nổ vỡ. Gạch bị xô vào nhau, nứt vỡ ở một khu vực hoặc theo một đường chạy dài trên sàn.
Nền nhà bị phồng rộp, nứt vỡ xảy ra khá phổ biến khiến cho người sử dụng vô cùng lo lắng. Ngoài ra, với những khu vực có lát gạch diện tích lớn khác (như sảnh nhà, sân thượng, sân công cộng,...) hoặc các mặt sàn đổ bê tông cũng rất dễ xảy ra hiện tượng phồng rộp, nứt vỡ này.
Tình trạng nền bị phồng rộp, nứt vỡ gây ra nhiều tác hại đối với công trình:
- Đầu tiên, nó gây mất thẩm mỹ của tổng thể không gian.
- Thứ hai, việc di chuyển qua lại tại những vị trí sàn nhà bị rộp cũng khá nguy hiểm, khó khăn, dễ xảy ra hiện tượng vấp ngã cho những người qua lại.
- Thứ 3, ban đầu vết phồng rộp chỉ xuất hiện ở diện tích nhỏ nhưng nếu không được xử lý kịp thời, nó sẽ lan ra diện tích rộng. Tình trạng nứt vỡ nghiêm trọng, tốn nhiều thời gian, chi phí cho việc khắc phục hơn.
Những nguyên nhân gây ra tình trạng sàn nhà bị rộp
Sàn bị rộp có thể gây nứt vỡ, bong tróc
Có khá nhiều nguyên nhân khiến cho nền nhà, nền công trình bị phồng rộp. Dưới đây là 7 nguyên nhân gây ra tình trạng này mà bạn có thể tham khảo:
Nguyên nhân sàn gạch lát bị phồng rộp
Nền gạch lát có thể bị phồng rộp do những lý do sau:
Nguyên nhân 1: Sự chênh lệch nhiệt độ
Chênh lệch nhiệt độ được cho là nguyên nhân làm sàn nhà bị phồng rộp phổ biến nhất. Trong thời gian sử dụng lâu dài, chất lượng của gạch lát thường bị ảnh hưởng do thời tiết, nhiệt độ thường xuyên thay đổi do các mùa khác nhau.
Điều này khiến cho mối liên kết của xi măng và gạch lát bị giãn nở, ảnh hưởng đến không gian “thở” giữa các viên/hàng gạch lát. Từ đó, gây tình trạng đùn gạch, gạch bị phồng lên và nứt vỡ nếu nghiêm trọng.
Nguyên nhân 2: Sàn nhà bị rộp do sụt lún sau một thời gian sử dụng
Trong khi đưa vào sử dụng, sàn nhà sẽ chịu ảnh hưởng bởi nhiều tác động bên ngoài dẫn đến hiện tượng sụt lún, bong tróc, xô đẩy các lớp gạch.
Nguyên nhân thường xuất phát do ngôi nhà, công trình xây dựng hoặc sửa chữa quá sát nhau, không có khe lún. Điều này dẫn đến tình trạng các khối công trình tác động lên nền đất với những chuyển động khác nhau, gây ra sụt lún, đùn gạch nền.
Sàn bị phồng sau thời gian sử dụng do sụt lún dưới nền
Nguyên nhân 3: Quá trình thi công lát nền không đúng kỹ thuật
Quá trình thi công đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với chất lượng, tuổi thọ của công trình nói chung, nền gạch lát nói riêng. Việc thi công trát xi măng dưới phần gạch lát không đều là một lý do khiến cho gạch, xi măng liên kết kém, khiến cho nền gạch bị phồng.
Xi măng không đều khiến cho khả năng kết dính gạch và xi măng kém. Khi 2 vật liệu cùng giãn nở không đều sẽ dẫn đến hiện tượng nền nhà phồng rộp, bung gạch, nứt vỡ.
>>> Xem thêm bài viết: HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG MÁY CHÀ SÀN CÔNG NGHIỆP BỀN BỈ, HIỆU QUẢ & TIẾT KIỆM
Nguyên nhân 4: Sàn nhà bị rộp do khoảng cách giữa các viên gạch không đạt tiêu chuẩn
Những viên gạch lát nền cần có khoảng cách phù hợp để co giãn trong các trường hợp nhiệt độ nóng - lạnh khác nhau. Nếu trong quá trình thi công lát nền, người thợ đặt viên gạch quá sát nhau, không có khe co giãn phù hợp sẽ không đủ không gian khi gạch giãn nở. Điều này làm cho các viên gạch bị kích, xô vào nhau, lâu ngày chắc chắn làm cho nền nhà bị phồng rộp, nứt vỡ.
Sàn bị phồng do khoảng cách giữa các viên gạch không đủ
Nguyên nhân 5: Trộn nguyên liệu không đúng tỉ lệ chuẩn
Trong quá trình lát nền, thợ thi công không pha trộn vữa - cát theo tỉ lệ đúng tỉ lệ tiêu chuẩn là một lý do khiến sàn nhà bị rộp. Bởi vì nếu như tỉ lệ xi măng ít, cát nhiều thì độ bám dính của lớp vữa bên dưới gạch không cao khiến cho gạch dễ bị bong ra theo thời gian sử dụng.
Nguyên nhân 6: Ngâm gạch không đúng kỹ thuật
Để đảm bảo chất lượng cho các công trình, gạch lát nền thường phải được ngâm với nước. Trong khi thi công, người thợ không ngâm gạch với nước hoặc ngâm với thời gian chưa đúng tiêu chuẩn sẽ khiến gạch lát xong gặp môi trường ẩm ướt tiếp tục giãn nở. Điều này làm ảnh hưởng đến độ bền của nền, gạch lát dễ bị phồng rộp, nứt vỡ hơn.
Nguyên nhân 7: Sàn nhà bị rộp do vữa cán nền quá khô
Khi tưới hồ dầu (nước pha với xi măng) thì vữa cán nền sẽ hút hết hoặc hồ dầu tưới quá ít, để lâu không thi công sẽ bị khô lại. Sau khi lát nền bị giảm độ kết dính giữa gạch lát và vữa cán nền. Do đó, sau khi đưa vào sử dụng, sau một thời gian ngắn là nền gạch lát sẽ dễ bị bong cũng như phồng rộp, nứt vỡ.
Nguyên nhân sàn bê tông bị rộp
Sàn bê tông bị rộp do một số nguyên nhân
Sàn bê tông bị phồng rộp là một sự cố kỹ thuật khi xuất hiện các nốt chứa cả không khí hoặc nước. Sàn bê tông bị rộp cho tổng thể công trình không hoàn hảo, gây mất thẩm mỹ. Về mặt chất lượng, sàn nhà bê tông bị rộp cho tổng thể công trình bị ảnh hưởng, giảm tuổi thọ và khả năng chịu lực.
Sàn bê tông bị rộp có thể do 2 nguyên nhân cơ bản:
- Do yếu tố khách quan từ môi trường: Sau một thời gian, nhiệt độ, độ ẩm thất thường ảnh hưởng đến bề mặt bê tông, làm xuất hiện các vết phồng tại nhiều vị trí khác nhau trên bề mặt.
- Do thi công không đúng kỹ thuật: Quá trình đổ, đầm bê tông hời hợt làm cho chất lượng bê tông không đạt chuẩn. Ngoài ra còn do sàn được miết bằng bay trong khi nước, bọt khí tách ra vẫn ở dưới bề mặt.
Bật mí cách xử lý sàn nhà bị rộp đơn giản, hiệu quả
Để cải thiện được hiện tượng sàn nhà bị phồng rộp, bạn cần căn cứ vào tình trạng thực tế cũng như nguyên nhân gây ra để chọn được giải pháp tối ưu. Người ta đưa ra phương pháp xử lý theo 2 tình trạng chính của sàn nhà gồm:
- Sàn nhà đã bị phồng nhưng chưa bị vỡ hoặc bong ra.
- Sàn nhà bị phồng, gạch lát bị vỡ hoặc bong ra.
Tùy vào tình trạng, mức độ phồng của sàn để xử lý phù hợp
Xử lý nền gạch bị phồng mức độ nhẹ (chưa bị vỡ, bong tróc)
Trường hợp gạch chưa bong, chưa bị vỡ thì bạn không cần phải thay thế toàn bộ sàn, hạn chế tốn kém chi phí (đặc biệt khi sàn nhà sử dụng các mẫu gạch lát cao cấp).
Khi sàn nhà bị rộp, hãy xử lý kịp thời theo các hướng dẫn sau:
- Bước 1: Kiểm tra những khu vực có gạch bị phồng để xác định xung quanh có hiện tượng phồng rộp hay không. Từ đó giúp quá trình xử lý triệt để hơn, không tốn thời gian, kinh phí về sau.
- Bước 2: Sử dụng mũi khoan có đường kính nhỏ nhất (thường là mũi số 6), đảm bảo mũi khoan mới, sắc. Khoan lên trên nền viên gạch bị rộp với kích thước khoảng 1.5cm.
- Bước 3: Dùng bơm hơi thổi sạch mùn vữa gạch, bụi của mũi khoan.
- Bước 4: Bơm hóa chất (vữa bơm ống gen cáp ứng lực, vữa không co ngót Sika) xuống dưới viên gạch qua lỗ vừa khoan, có thể khoan thêm các lỗ khác bên cạnh để bổ sung thêm hóa chất (trường hợp lỗ đầu tiên không xuống hết).
- Bước 5: Đợi cho phần hóa chất đã bơm xuống nền khô, bạn sẽ sử dụng vật liệu xi măng trắng hoặc màu tương đồng với màu gạch để cho phần mũi khoan.
- Vệ sinh lại bề mặt vừa thi công bằng khăn lau, chổi quét…
Xử lý sàn nhà bị rộp nặng (gạch lát bị vỡ, bong lên)
Nền bị phồng, nứt vỡ cần thay thế tất cả những viên gạch
Nếu như sàn nhà đã bị phồng rộp, gạch lát bị vỡ và bung lên thì cần phải thay thế toàn bộ phần gạch lát đó. Các bước thực hiện xử lý sàn nhà bị phồng rộp như sau:
- Bước 1: Kiểm tra và xác định số lượng các viên gạch bị vỡ, bong tróc lên hoặc các viên gạch xung quanh bị bong.
- Bước 2: Sử dụng các loại máy cắt chuyên dụng để cắt theo đường mạch xung quanh các viên gạch cần thay thế.
- Bước 3: Sử dụng dụng cụ đục, khoan phá để đục các vị trí gạch bị rộp, đục sâu xuống nền vữa cũ từ 3 - 5cm.
- Bước 4: Trộn vữa mác 50 và cán nền thật bằng phẳng với nền cũ (so với nền của những viên gạch không bị phồng rộp).
- Bước 5: Hòa hồ dầu với độ đặc phù hợp đổ lên trên nền vữa và tiến hành thi công ốp gạch mới.
- Bước 6: Vệ sinh khu vực vừa thi công và trét mạch cho nền gạch.
Cách phòng tránh tình trạng sàn nhà bị rộp
Để hạn chế tối đa tình trạng gạch lát nền bị phồng rộp thì cần lưu ý những vấn đề như sau:
Lát nền cần đảm bảo khoảng cách vừa đủ cho các viên gạch “thở”
- Đảm bảo kết cấu sàn nhà chịu lực với độ cứng, bền vững theo tiêu chuẩn.
- Kiểm tra chất lượng bê tông.
- Khi tiến hành chà ron, cần đảm bảo khoảng cách đều nhau, đảm bảo đủ khoảng cách cho trường hợp gạch giãn nở.
- Có thể lát vảy rồng tại những khu vực chiều rộng nhỏ hơn kích thước viên gạch, tăng chiều rộng cho các mạch vữa.
- Sử dụng keo dán gạch chuyên dụng có khả năng chịu nhiệt tốt, ít giãn nở để hạn chế tình trạng nền gạch bị phồng rộp.
- Nên sử dụng loại bay răng cưa để giúp keo, vữa tiếp xúc đồng đều, phủ kín mặt dưới viên gạch, hạn chế tình trạng gãy gạch ở các góc cạnh, tăng độ kết dính.
- Các công trình có thể sử dụng giải pháp nẹp khe co giãn giữa sàn gạch hiệu quả và nhanh chóng. Đây là phương pháp sử dụng thanh co giãn tạo ron cắt, chia nhỏ diện tích mặt sàn tạo được không gian giãn nở - co ngót. Nhờ vậy mà có thể hạn chế các tình trạng như đùn gạch, phồng rộp, nứt vỡ.
Kết luận
Vừa rồi là những thông tin chi tiết về nguyên nhân, cách khắc phục và phòng tránh tình trạng sàn nhà bị rộp. Mong rằng bài viết này sẽ hữu ích và giúp bạn áp dụng vào thực tế, xử lý tốt các tình trạng sàn nhà đang gặp phải.
>>> Xem thêm bài viết: Máy chà sàn có những loại nào?
>>> Xem thêm bài viết: Tìm hiểu thông tin máy chà sàn đơn